Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ vụ xuân năm 2025
Thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình Khuyến nông năm 2025, Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã triển khai “Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ” tại 2 điểm xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường và xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo
hướng hữu cơ vụ Xuân năm 2025
Mô hình có tổng diện tích là 6 ha với
hai hộ nông dân tham gia. Hộ dân được
nhà nước hỗ trợ 50% giá giống, 50% vật tư gồm phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực
vật, được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật
sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Để mô hình đạt hiểu quả cao, Trung tâm Khuyến
nông đã lựa chọn các hộ dân đủ điều kiện tham gia như: có địa điểm thực hiện và
có khả năng đối ứng giống, vật tư theo yêu cầu của mô hình, có cam kết thực hiện
đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chỉ đạo mô hình,…
Mô hình thực hiện tại xã Xuân Hồng,
huyện Xuân Trường với quy mô 3 ha, sử dụng giống lúa Ngọc nương 9, kỹ thuật
gieo mạ khay máy cấy. Giống lúa Ngọc nương 9 là giống lúa thuần chất lượng cao
thuộc bản quyền của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam có chất lượng gạo ngon. Hạt
gạo trắng trong , thon dài, tỷ lệ gạo xát và gạo nguyên cao; cơm trắng, bóng, mềm,
vị đậm và có mùi thơm đặc trưng. Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 125 - 130 ngày,
năng suất trung bình 60 - 65 tạ/ha, nếu thâm canh tốt sẽ đạt 75 - 80 tạ/ha.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo
hướng hữu cơ tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường
Xây dựng mô hình tại xã Nghĩa Thái,
huyện Nghĩa Hưng với quy mô 3 ha, sử dụng giống lúa Bắc thơm 7, kỹ thuật gieo sạ.
Bắc thơm 7 là một trong những giống lúa thuần, chất lượng chủ lực vụ Xuân của tỉnh Nam Định, có khả
năng chống đổ, chịu sâu bệnh tốt, nhiều hạt, hạt gạo thon dài, trắng trong; chất
lượng gạo ngon, cơm trắng, mềm dẻo, vị đậm có mùi thơm đặc trưng. Thời gian
sinh trưởng vụ Xuân 125 - 135 ngày, có năng suất cao từ 55 - 57 tạ/ha, nếu
trình độ thâm canh cao có thể đạt từ 60 - 65 tạ/ha.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đem lại
nhiều lợi ích như: hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực
vật có nguồn gốc hóa học bảo vệ môi trường, cải tạo đất phục vụ sản xuất lâu
dài, bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của
người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị
cây trồng, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu
hiện nay.
Do đó, kết quả của mô hình sẽ là cơ sở
để tuyên truyền cho người nông dân hiểu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ
là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp./.
Nguyễn Hoàng Linh -
Trung tâm Khuyến nông Nam Định