image banner

image advertisement

image advertisement

image advertisement

anh tin bai



image


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Một số kết quả nổi bật qua 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Nam Định
Lượt xem: 446

Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thực sự là miền quê thanh bình; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững[1].


[1] Trích mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. 

anh tin bai

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị (thứ 2 từ phải qua trái) trao Bằng công nhận huyện

đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho huyện Giao Thủy. 

    Với quan điểm xuyên suốt của Trung ương và của Tỉnh xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với sự đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; công cuộc xây dựng NTM của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khang trang tiệm cận với đô thị. Tỉnh Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy là 1 trong 10 huyện đầu tiên của toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023[2]; huyện Trực Ninh[3] và huyện Xuân Trường[4] đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; huyện Nam Trực đang hoàn thiện tiêu chí và hồ sơ. Sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 143/146 xã (98%) đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt 48% so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh; 54/146 xã (37%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt 12% so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh; 9/15 thị trấn (60%) đạt chuẩn đô thị văn minh.


[2] Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 02/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

[3] Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 31/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Trực Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

[4] Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 31/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Xuân Trường đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

anh tin bai


anh tin bai

TỔNG HỢP KẾT QUẢ XÃ ĐẠT CHUẨN NTM NÂNG CAO, KIỂU MẪU 

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

anh tin bai

TỔNG HỢP KẾT QUẢ XÃ ĐẠT CHUẨN NTM KIỂU MẪU THEO CÁC LĨNH VỰC

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH 

  Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019-2025 gồm 3 nhóm tiêu chí với 14 chỉ tiêu, đến nay có 11/14 chỉ tiêu đạt. Ngày 24/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1996/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch xây dựng huyện Giao Thuỷ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực Giáo dục năm 2024. Huyện Giao Thủy đang tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch. Chương trình OCOP được các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện; đến nay, toàn tỉnh đã có 534 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó nổi bật với sản phẩm Ecohost Hải Hậu đạt 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 65 sản phẩm 4 sao và 465 sản phẩm 3 sao. Thành quả này đến từ sự nỗ lực của 272 chủ thể OCOP, bao gồm 61 hợp tác xã, 65 doanh nghiệp và 146 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.

anh tin bai
anh tin bai

Mô hình du lịch Ecohost Hải Hậu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

                   Phát tri[5]ển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng: các xã triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng xã trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa Quy hoạch xây dựng NTM xã đã được phê duyệt và đảm bảo yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo kết nối và phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. UBND tỉnh đã phê duyệt 03 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 20505; 02 đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050[6]; các xã được Sở Xây dựng tham gia ý kiến và UBND các huyện phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; 11 thị trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung[7]; 07 đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt[8] và đang lập 02 đồ án quy hoạch phân khu[9]; một số quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được phê duyệt[10]. Hạ tầng giao thông bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; hạ tầng thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng lưới điện nông thôn đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%; cơ sở vật chất trường học được tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, duy trì kết quả phổ cập giáo dục,…

 Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững: Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 52 triệu đồng/người năm 2021 lên trên 75 triệu đồng/người năm 2024.



[5] vùng liên huyện: Hải Hậu - Giao ThuỷNghĩa Hưng - Ý YênNam Trực - Trực Ninh.

[6] Huyện Xuân Trường và huyện Vụ Bản.

[7] Thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường); thị trấn Liễu Đề (huyện Nghĩa Hưng); thị trấn Ngô Đồng, đô thị Quất Lâm (huyện Giao Thuỷ); thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản); thị trấn Lâm (huyện Ý Yên); thị trấn Cồn, Yên Định (huyện Hải Hậu); thị trấn Cát Thành, Ninh Cường (huyện Trực Ninh); thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực). UBND huyện Giao Thuỷ đã tổ chức lập đồ án quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng đến năm 2045, đã được Sở Xây dựng thẩm định và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. UBND huyện Hải Hậu đang trình lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Thịnh Long đến năm 2040.

[8] Quy hoạch phân khu I (phân khu trung tâm), Quy hoạch phân khu II (phân khu phía Bắc), Quy hoạch phân khu III (phân khu phía Tây), Quy hoạch phân khu IV (phân khu phía Tây Nam) trên địa bàn thành phố Nam Định, Quy hoạch phân khu VI trên địa bàn huyện Mỹ Lộc, Quy hoạch phân khu VIII trên địa bàn huyện Vụ Bản, Quy hoạch phân khu IX.B - Điều chỉnh Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định).

 [9] Quy hoạch phân khu IX.A - Điều chỉnh Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định); Quy hoạch phân khu V – Điều chỉnh quy hoạch phân khu phường Cửa Nam, xã Nam Vân, thành phố Nam Định.

[10] Quy hoạch chi tiết KCN Bảo Minh mở rộng, huyện Vụ Bản; Quy hoạch chi tiết KCN Hồng Tiến, huyện Ý Yên, Quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên, Quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Thanh Côi, huyện Vụ Bản,….

anh tin bai

Môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng “xanh, sạch, đẹp”. Cuộc vận động “Xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác” được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia; các địa phương tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện tốt phong trào trồng cây bóng mát và trồng hoa bên lề đường trục xã, thôn, xóm; toàn tỉnh đã trồng được 2.605 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 2.775 km.

anh tin bai

Cảnh quan môi trường nông thôn mới tỉnh Nam Định

 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được quan tâm, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở được phục hồi và phát triển mạnh, nhất là hoạt động của các câu lạc bộ dân vũ; có 8/54 (14,8%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa.

Giáo dục và đào tạo được chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất trường học của các cấp học tiếp tục được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện ở các cấp học tiếp tục được nâng cao, toàn tỉnh có 20/54 (37%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển rộng khắp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

           Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn: Các trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị khám chữa bệnh, nhiều trạm đạt yêu cầu xanh - sạch - đẹp; đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngành y tế đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân, chủ động phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.

           Giảm nghèo bền vững: Tỉ lệ nghèo đa chiều năm 2024 (gồm tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo) trên địa bàn tỉnh 3,29%, giảm 0,56% so với năm 2023. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo 0,95%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,34%.

         Đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: công tác quốc phòng, quân sự địa phương luôn gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội đều gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng NTM, gắn xây dựng NTM với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai sâu rộng đạt kết quả tích cực, xây dựng và nhân rộng 65 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, 152/161 xã, thị trấn (94,4%) xây dựng mô hình “Camera an ninh”, lắp đặt trên 3.800 mắt tại các vị trí trọng điểm về an ninh trật tự, truyền hình ảnh về trụ sở Công an xã, thị trấn để theo dõi, quản lý, mô hình "Camera an ninh" đã giúp lực lượng Công an ngăn chặn, làm rõ 980 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo, không có các sự cố bất ngờ xảy ra. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm và chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

               Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy những mô hình, cách làm hay, cuộc vận động ý nghĩa, góp phần thực hiện phong trào thi đua, như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các phong trào thi đua: "Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025", "Xây dựng người phụ nữ Việt nam thời đại mới"; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; Hội Nông dân tỉnh với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Cựu chiến binh phát động phong trào "Cựu chiến binh Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cựu chiến binh gương mẫu"; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định triển khai chương trình chính sách tín dụng,… Thông qua phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng; điển hình trong phát triển kinh tế; các mô hình sản xuất theo hướng phát triển bền vững,...

anh tin bai

 Những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thời gian qua là tiền đề, nền tảng vững chắc để nông thôn Nam Định vươn mình phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh./.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh 

 

Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Sơn -  Giám đốc Sở 
GPXP Số 06/GP-TTĐT-STTT ngày 18/11/2024
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang