19/02/2025
Chuyển đổi số trong ngành khai thác thủy sản tại tỉnh Nam Định
Lượt xem: 252
Những năm gần đây, ngư dân trong tỉnh Nam Định đã mạnh dạn áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản. Một số tàu đánh bắt xa bờ còn sử dụng các thiết bị hỗ trợ khai thác tiên tiến như hệ thống định vị vệ tinh GPS, thiết bị giám sát hành trình, máy dò cá, thiết bị mành chụp 4 tăng gông, đèn led chiếu sáng… Nhiều chủ tàu cũng đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình đánh bắt nhằm nâng cao hiệu quả. Từ đánh bắt theo kiểu truyền thống, nay đa số ngư dân đã quen với việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo vị trí đánh bắt qua hệ thống giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc thủy sản…
Mặc dù số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản có sự gia
tăng về các giấy phép và chứng nhận do yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất
lượng sản phẩm, nhưng quá trình cải cách hành chính và chuyển đổi số đã giúp cải
thiện chất lượng thủ tục, đơn giản hóa quy trình và giảm bớt sự phức tạp, giúp
tăng hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Trong năm 2024, Chi cục Thủy sản Nam Định đã tiếp nhận
và xử lý được 2.096 hồ sơ. Đã được bộ phận một cửa số hóa kết quả trên một cửa
điện tử.
Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của
hàng nghìn ngư dân hoạt động trên tàu cá vẫn chậm so với yêu cầu thực tế. Hiện
nay, việc nộp các thủ tục hành chính như hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy
sản, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá... vẫn còn thực hiện bằng
hình thức trực tiếp. Bên cạnh đó, việc yêu cầu ngư dân áp dụng viết nhật ký
khai thác điện tử cũng còn nhiều khó khăn.
Theo quy định, thuyền trưởng hay chủ các
tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có nhật ký khai thác chuyến biển. Cụ thể,
phải ghi, in và báo cáo đúng quy định về thời điểm, vị trí thả/thu lưới, sản lượng
các loài hải sản, tổng sản lượng và các thông tin liên quan đến tàu. Tuy nhiên,
các chủ tàu cá hiện nay vẫn viết nhật ký sơ sài hoặc vào đến cảng mới viết để đối
phó, dẫn đến khó cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác (SC) và giấy
chứng nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác (CC) cho doanh nghiệp chế biến hải sản.
Do đó, cần ứng dụng công nghệ số ngay ở khâu ghi nhật ký khai thác hải sản của
ngư dân. Đồng thời tích hợp hệ thống phần mềm quản lý của cảng cá với truy xuất
nguồn gốc hải sản. Điều này không chỉ đảm bảo thông tin chính xác trong suốt
hành trình tàu cá hoạt động trên biển mà khi tàu về đến cảng cá, ngành chức
năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt. Từ đó đảm bảo việc
xác nhận SC, chứng nhận CC nhanh gọn, chính xác và minh bạch.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện truy xuất
nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) trên địa bàn tỉnh đang được triển
khai thực hiện. Tuy bước đầu còn gặp khó khăn, vướng mắc như nhiều người dân
không sử dụng điện thoại thông minh, trình độ và việc tiếp cận với công nghệ mới
còn chậm và chưa sẵn sàng. Nhưng với việc vào cuộc quyết liệt của các cơ quan
chức năng như Chi cục Thuỷ sản, BQL Cảng cá Nam Định đã tổ chức tuyên truyền,
hướng dẫn và đầu tư trang bị các máy sử dụng hệ điều hành tương thích tại các cảng
cá để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp truy cập, sử dụng hệ thống eCDT, đến nay
việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) trên địa
bàn tỉnh đang được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. Từ 01/01/2024-01/02/2025: Tổng số tàu đã làm các thủ tục khai báo truy
xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) là 5.406 lượt tàu, trong đó Ban quản lý Cảng cá
Nam Định 4.464 lượt (2.076 lượt cập cảng, 2.388 lượt rời cảng), cảng cá Công ty TNHH
Thành Vui 942 lượt (454 lượt cập cảng, 488 lượt rời cảng).

Hệ thống truy
xuất nguồn gốc điện tử
Chuyển đổi số trong ngành thủy sản tại tỉnh là bước đi quan trọng
để nâng cao hiệu quả sản xuất và chế biến, bảo vệ tài nguyên và phát triển bền
vững ngành thủy sản. Dù còn gặp một số thách thức về hạ tầng, chi phí và đào tạo,
nhưng nếu có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp công nghệ và
chính quyền địa phương, ngành thủy sản Nam Định hoàn toàn có thể chuyển mình mạnh
mẽ trong kỷ nguyên số.
Chi cục Thủy
sản Nam Định