Nam Định: Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn thịt tạo vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
Từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Nam Định thực hiện dự án “Xây dựng mô hình vùng nguyên liệu chuỗi thịt lợn an toàn” triển khai trên địa bàn các xã Xuân Thượng; xã Xuân Giang huyện Xuân Trường.
Nam
Định là tỉnh thuộc Nam đồng bằng Sông Hồng, có nhiều điều kiện thuận lợi để
phát triển chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Trong những năm gần đây, mặc dù ngành chăn nuôi của tỉnh Nam Định phải
đối diện với không ít khó khăn do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, các
bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh, lây lan ở động vật như bệnh tai xanh,
bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; song tổng đàn lợn của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh. Theo số liệu thống kê
năm 2024 cho thấy tổng đàn lợn ước đạt 587.021 con, khoảng 10.448 triệu con gia
cầm, đàn trâu, bò khoảng 36.598 con. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn đã
giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa
bàn của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách khuyến
khích phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong giá
trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi hiện nay đang gặp
nhiều khó khăn thách thức như: Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán; nằm trong khu
dân cư, chăn nuôi không theo quy hoạch; các chất thải trong chăn nuôi đang gây
ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội và cộng đồng
dân cư… Bên cạnh đó chăn nuôi đang gặp nguy cơ với nhiều dịch bệnh nguy hiểm
như: Dịch tả Châu phi, LMLM, dịch tai xanh …thường xuyên xảy ra đã làm thiệt
hại nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh, kèm theo đó đầu ra không ổn định,
việc tiêu thụ sản phẩm thịt lợn còn gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bệnh thường
xuyên bị thương lái ép giá do thiếu sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau
tạo thành chuỗi liên kết, hình thành những vùng cung cấp nguyên liệu thịt lợn. Ngoài
ra, việc chăn nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật đặc biệt là các biện pháp chăn nuôi
an toàn sinh học làm dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên lợn, kèm theo đó là
việc lạm dụng quá mức thuốc kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh dẫn đến
hiện tượng tồn dư kháng sinh, chất tạo nạc.., làm cho người tiêu dùng thiếu
lòng tin, lo ngại về tính an toàn khi sử dụng sản phẩm thịt lợn trên thị
trường.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Nam Định phối hợp với Phòng
Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Xuân Trường, UBND các xã Xuân
Thượng, xã Xuân Giang triển khai dự án “Xây dựng mô hình vùng nguyên liệu chuỗi
thịt lợn an toàn” quy mô 300 con, với 02 hộ tham gia.
Tham gia mô hình, 100% các hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ
thuật về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, kỹ thuật làm
đệm lót chuồng nuôi lợn, bổ xung chế phẩm sinh học vào trong thức ăn, nước
uống, Hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra các hộ còn được nhà nước hỗ
trợ 50% thức ăn (tương đương 112,5kg/con), vắc xin (900 liều/300 con) , hóa
chất sát trùng pha loãng (10 lít/con), chế phẩm sinh học (15kg/300 con).

Ảnh: Bàn giao thức ăn chăn nuôi cho
mô hình
Kết quả mô hình: Tỷ lệ sống
100%; đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn dịch bệnh; Khối lượng lơn
trung bình xuất bán: 113,2kg/con; Tăng khối lượng bình quân/ngày/con của mô
hình đạt 756g/con/ngày. Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg thịt lợn hơi là 2,49. Hiệu
quả kinh tế tăng 23,9 % so với ngoài mô hình. Toàn bộ số lợn trong mô hình được
Công ty TNHH Công Danh thu mua và chế biến sâu thành các sản phẩm như súc xích,
lạp xưởng, giò, chả….
Mô hình được các cơ quan
chuyên môn, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình
đánh giá cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương. Thông qua mô hình
giúp cho các hộ chăn nuôi nắm vững được kỹ thuật để tiếp tục duy trì, mở rộng
quy mô, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và liên kết với nhau tạo thành
chuỗi liên kết, hình thành những vùng cung cấp nguyên liệu thịt lợn, góp phần
thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu Ngành nông nghiệp gắn với xây dựng
nông thôn mới.